Viết bài PR và 3 dạng thức cơ bản

Viết bài PR là để PR sản phẩm, thương hiệu hoặc nêu thông điệp nào đó – rõ là thế, mà nói khác hơn tí, nghĩa là huỵch toẹt ra thì nghĩa là viết bài quảng cáo. Vì hiện nay bài viết quảng cáo hay bài PR đều lẫn khuất và “ẩn núp” trong nhau nên gọi thế nào cũng được. Tại sao nói vậy? Trước tiên ta đi từ từ vậy!

 
Dân trong nghề ai cũng biết thường có 3 dạng bài thế này: 1 là bài viết quảng cáo với tên gọi advertorial, 2 là bài viết PR được gọi là editorial (đây mới là bài PR theo nghĩa nguyên thủy này) và 3 là dạng bài phỏng vấn hoặc kiểm chứng được gọi là testimonial. 
 
Theo ý nghĩa “nguyên thủy” của nó thì dạng bài thứ 1 là dạng bài thường do copywriter của các công ty quảng cáo viết, có nội dung “oánh” thẳng vào việc giới thiệu sản phẩm, thương hiệu theo yêu cầu của doanh nghiệp. Dưới bài viết thường ghi nguồn thông tin từ công ty, doanh nghiệp đó. Muốn đăng bài dạng này thì công ty phải bỏ tiền ra mua “đất” để được đăng và chỉ đăng trong mục Quảng cáo rõ ràng. Xét tính khách quan thì người tiêu dùng rất dễ dàng nhận ra vì nó quy chuẩn hẳn trong mục quảng cáo.
 
Dạng bài thứ 2 – bài viết PR là bài viết do chính nhà báo viết, không bị ảnh hưởng hay chi phối của công ty, doanh nghiệp nào trong việc viết cái hay cái dở của họ. Bài viết PR này rất khách quan và đáng tin cho độc giả, vấn đề cơ bản của cách viết này là phải có câu chuyện hấp dẫn, phù hợp với chuyên mục muốn đăng trên tờ báo đó và phải là thông tin khách quan có ích cho người đọc, còn việc thể hiện thế nào thì do từng nhà báo. Theo đó, nếu khéo léo và làm PR tốt thì bài viết này sẽ được đăng miễn phí và sẽ không được sếp vào mục quảng cáo. Dĩ nhiên bài này sẽ có tên tác giả phía dưới.
 
Dạng bài thứ 3 – bài viết kiểm chứng testimonial, là bài viết dạng trải nghiệm có thể là dựa theo số lượng thống kê làm dẫn chứng, làm bài phỏng vấn khách hàng cảm nhận về sản phẩm… kèm theo đó phải có chụp hình này nọ , lấy số liệu thống kê trong cuộc khảo sát đáng tin cậy nào đó làm minh chứng thuyết phục khách hàng. Bài viết dạng này lại có 2 mặt: khách quan và chủ quan. Đối với bài viết khách quan, nghĩa là có thể do nhà báo viết, họ thu thập thông tin và phỏng vấn người dùng sau đó đưa ra đánh giá chung trong một nội dung nào đó mang tính bao quát. Ví dụ: đánh giá về tỉ lệ người dùng các sản phẩm công nghệ của các thương hiệu chẳng hạn acer 50% người dùng, LG 30%, phần còn lại là các thương hiệu khác. Vì là bài khách quan nên dựa theo số liệu khách quan tin tưởng được, thương hiệu nào chiếm vị thế thật thì sẽ được nhắc đến và có lợi. Từ cái lợi đó thương hiệu sẽ khai thác sâu hơn, lấy lợi thế đó làm thành những bài viết về riêng thương hiệu của mình, vậy là bài viết bắt đầu chuyển sang chủ quan. Khi bài viết mang tính khách quan thì dĩ nhiên thương hiệu không phải mất tiền, nhưng khi chuyển sang bài viết chủ quan, nghĩa là những bài PR mang hơi hướng quáng cáo, nên sẽ mất tiền để được đăng.